Free Shipping on orders over US$39.99 How to make these links

Gumroad “đối đầu” FastSpring: Nền tảng eCommerce nào phù hợp hơn để bán plugin WordPress? – Top1Dev

Gumroad “đối đầu” FastSpring: Nền tảng eCommerce nào phù hợp hơn để bán plugin WordPress?

Như các bạn (có thể) đã biết, chúng mình từng sử dụng Gumroad để bán extension của Meta Box và sau đó đã chuyển sang FastSpring vài tháng trước. Cả hai nền tảng e-commerce này đều rất tuyệt vời và dễ dàng tích hợp với WordPress. Và tất nhiên, chúng có những ưu và nhược điểm riêng. Chúng mình sẽ tiết lộ cho các bạn biết khi nào nên dùng FastSpring, khi nào dùng Gumroad ngay trong bài viết dưới đây!

Contents

Tại sao lại là Gumroad và FastSpring?

Đây chắc hẳn cũng là thắc mắc đầu tiên của bạn khi đọc bài viết này. Chúng ta đều biết rằng việc bán các sản phẩm điện tử trên WordPress với WooCommerce hay Easy Digital Downloads rất dễ đúng không? Vậy tại sao ta phải dùng một nền tảng e-commerce khác?

Trước khi trả lời câu hỏi trên, bạn cần xác định rõ mục tiêu của mình. Bạn thực sự cần điều gì khi bán plugins WordPress? Xử lý download tốt, chức năng thanh toán, theo dõi hay dễ dàng cấu hình v.v.? Nếu không xác định rõ các mục tiêu này, bạn có thể sẽ luẩn quẩn giữa các công cụ, nền tảng, mà chẳng bao giờ hài lòng.

Dưới đây là các mục tiêu (mức ưu tiên từ cao đến thấp) của mình khi bắt đầu bán các extension tính phí của Meta Box:

Mua hàng one-click: Mình không thích dùng giỏ hàng hay trang thanh toán cho lắm. Mình muốn có một nút mua hàng ngay trên trang sản phẩm, cho phép khách hàng mua các plugin mà không cần chuyển hướng sang trang khác. Theo mình nhớ, điều này giúp tăng conversion rate khá hiệu quả. Cả WooCommerce hay Easy Digital Downloads khi đó chưa có tính năng này (và đến giờ vẫn chưa có).

Hỗ trợ thẻ tín dụng: Mình sống ở Việt Nam và Stripe không hỗ trợ ở Việt Nam (đến giờ vẫn vậy luôn). Vậy nên cổng thanh toán phù hợp duy nhất cho WooCommerce và Easy Digital Downloads là 2CheckOut. Nó là một extension mất phí cho cả hai plugin trên. Vào thời điểm đó, mình mới bắt đầu việc kinh doanh, thế nên bỏ ra quá nhiều tiền không phải là lựa chọn của mình. Nếu bạn chọn sử dụng hai plugin trên, hãy cân nhắc các extension khác như Software Licensing hay Subscription nhé!

Dễ dàng quản lý sản phẩm: Tất cả những gì mình cần quản lý là giá và file download của sản phẩm. Mình thường bị “lạc lối” khi sửa thông tin sản phẩm trên WooCommerce. Easy Digital Downloads có vẻ ổn hết, nhưng vẫn là phức tạp quá mức cần thiết.

Database không bị phình: Việc kinh doanh sẽ kéo dài nhiều năm, và tất nhiên mình không muốn database của mình nặng đến vài trăm GB. Khi nhìn vào vào meta table order item của WooCommerce, bạn sẽ hiểu ý mình.

Tận dụng được Meta Box: Sẽ rất tuyệt vời nếu mình sử dụng được Meta Box để xử lý các metadata của sản phẩm, đơn hàng hay cài đặt.

Ở thời điểm đó, mình đã không nghĩ về các yếu tố sau:

  • Quản lý quyền sử dụng (license) và các bản cập nhật
  • Subscription (đăng ký)
  • Các gói sản phẩm

Tất cả các điểm trên đều xuất hiện sau một thời gian Meta Box phát triển, mình sẽ nói thêm về vấn đề này trong phần sau của bài viết.

WooCommerce và Easy Digital Downloads đều là những sản phẩm tốt, nhưng cả hai đều có vẻ khá phổ thông và không thực sự sát với nhu cầu của mình. Vì vậy, mình quyết định tìm một nền tảng e-commerce khác để bán các plugin.

Hai cách sử dụng sử dụng các nền tảng e-commerce

Khi sử dụng các nền tảng e-commerce như Gumroad hay FastSpring, bạn cần biết hai cách dùng chủ yếu như sau:

Sử dụng nền tảng e-commerce làm cổng thanh toán. 

Mình đã và đang sử dụng các nền tảng theo lối này. Như mình đã nói, Stripe không hỗ trợ thanh toán ở Việt Nam, và mình cần một cách khác để giao dịch qua thẻ tín dụng.

Nếu theo lối này, bạn sẽ cần xử lý một số công việc như:

  • Quản lý các sản phẩm và đơn hàng trên website
  • Tạo tài khoản khi người dùng mua sản phẩm (chủ yếu qua webhooks) và gửi email với thông tin tài khoản và download.
  • Tạo một khu vực “My Account” khi người dùng đăng nhập để download các plugin
  • Sau đó là quản lý quyền sử dụng và các bản cập nhật.

Các công việc trên khá giống với các tính năng của Easy Digital Downloads. Mình suýt bị thuyết phục bởi Easy Digital Downloads, tuy nhiên Easy Digital Downloads lại không có chức năng mua hàng one-click, nên mình đành “tự lăn vào bếp” để tạo một plugin riêng. Đương nhiên, plugin của mình lấy ý tưởng từ Easy Digital Downloads (hiện đã khác bởi mình dùng một custom table structure đơn giản và hiệu quả hơn để lưu trữ thông tin thanh toán và đăng ký của người dùng).

Sử dụng nền tảng & để nó giải quyết mọi việc

Nếu bạn chỉ có một sản phẩm, thì tự tạo plugin để xử lý tài khoản, download hay quyền sử dụng sẽ không đáng công sức bạn bỏ ra. Thậm chí, bạn có thể sẽ mất một hoặc hai tuần cho việc tạo và thử nghiệm mọi thứ. Vậy nên thay vì tự làm, bạn nên sử dụng một nền tảng có sẵn như Gumroad hay FastSpring cho các công việc trên, và dành thời gian đó để phát triển các tính năng cho plugin của mình.

Nếu sử dụng các nền tảng eCommerce thì:

  • Website của bạn sẽ trở thành một landing page đơn giản, không có tài khoản, không có khu vực “My Account”, không có trang download, v.v.
  • Hỗ trợ khách hàng sẽ được thực hiện công khai (qua nhóm Facebook, Slack, diễn đàn, v.v) bởi vì không có cách nào quản lý được các tài khoản hay mức truy cập.
  • Bản cập nhật cho plugin được cung cấp qua các nền tảng này, vậy nên người dùng sẽ cần download chúng một cách thủ công.

Bạn vẫn có thể sử dụng các nền tảng này khi bán nhiều sản phẩm, tuy nhiên sẽ mất nhiều công sức hơn bởi mọi thứ cần được thực hiện một cách thủ công.

Một số ví dụ có thể kể đến là Refactoring UI, Tailwind UI (đây không phải các WordPress plugin)

Theo mình, kiểu này khá là “tình một đêm”. Có thể đây là một cách hiệu quả để thử các ý tưởng của bạn và kiếm chác một chút khi bạn mở bán các plugin của mình. Còn về lâu dài, đây không phải cách tiếp cận tốt để bán plugin bởi chúng mình cần hỗ trợ cũng như thường xuyên đưa các bản cập nhật đến với khách hàng.

Giờ cùng điểm qua ưu & nhược điểm của Gumroad và FastSpring nhé!

Gumroad

Lần đầu tiên tiếp xúc với Gumroad, mình biết đây chính là thứ mình tìm kiếm bấy lâu. Cửa sổ popup checkout đẹp mắt, nhanh và đơn giản, dashboard quản lý sản phẩm của Gumroad cũng rất dễ sử dụng, và vì vậy mình ngay lập tức sử dụng nó.

Ưu điểm của Gumroad

Gumroad “đối đầu” FastSpring: Nền tảng eCommerce nào phù hợp hơn để bán plugin WordPress?

Cửa sổ popup checkout đẹp mắt: Đây là điểm “đỉnh” nhất của nền tảng e-commerce Gumroad khi bán sản phẩm cho WordPress. Bạn đi đến trang sản phẩm, nhấm Buy Now và một cửa sổ popup checkout sẽ xuất hiện ngay lập tức. Chỉ cần nhập email và thế là xong, mọi thứ cực kỳ đơn giản.

Hỗ trợ thẻ tín dụng và PayPal: Người dùng có thể dùng thẻ tín dụng hoặc PayPal để mua các sản phẩm. Nếu thanh toán qua PayPal, họ sẽ được chuyển hướng đến PayPal (không thể tránh được điều này), và sau đó được đưa trở lại trang cảm ơn trên website của bạn.

Hỗ trợ download: Nếu bạn bán duy nhất một plugin, đây sẽ là một tính năng tuyệt vời. Bạn có thể tải file lên Gumroad và nó sẽ cho phép người dùng tải xuống file sau khi hoàn tất thanh toán.

Gửi email: Đây là một tính năng tuyệt vời mà mình không thể tìm được trên bất kỳ platform nào khác (kể cả hiện tại). Bạn có thể gửi email cập nhật đến người dùng để thông báo các thay đổi về sản phẩm của bạn. Bạn cũng có thể chia tập khách hàng thành các nhóm nhỏ theo các sản phẩm họ mua để gửi các email riêng biệt. Tính năng này giống như bản lite của MailChimp ngay trên nền tảng e-commerce Gumroad vậy.

Gửi email trên nền tảng Gumroad
Gửi email trên Gumroad.

Dễ dàng quản lý sản phẩm và coupon: Chỉ cần sử dụng một loại sản phẩm để bán (trong trường hợp của mình là một sản phẩm công nghệ như plugin), đặt mức giá, tải lên file, và thế là xong. UI của Gumroad rất dễ sử dụng, và bạn cũng cũng có thể đặt coupon cho một hoặc tất cả các sản phẩm của bạn.

Dễ dàng quản lý sản phẩm và coupon trên nền tảng eCommerce Gumroad
Thêm coupon trên Gumroad.

Nhược điểm của Gumroad

Không có tính năng subscription. Gumroad có tính năng membership (hội viên), tuy nhiên đó lại là một kiểu tính năng khác. Membership ở đây là kiểu bán quyền truy cập vào một khóa học, một cuốn sách hay cộng đồng nào đó. Chris Lema có một bài giải thích khá kỹ lưỡng sự khác biệt giữa hai kiểu tính năng này trên blog của ông ấy.

Khi sử dụng tính năng membership của Gumroad cho việc subscription trên Meta Box, mình phát hiện ra rằng người dùng bắt buộc phải đăng ký một tài khoản trên Gumroad. Điều này khá hài hước bởi mình chỉ muốn sử dụng Gumroad như một cổng thanh toán, vì vậy khách hàng nên lập tài khoản trên website của mình thay vì của họ, hợp lý chứ?

Sau đó, mình cũng phát hiện ra rằng khi sử dụng nền tảng e-commerce của bên thứ ba, nếu người dùng đăng ký subscription hoặc membership, họ sẽ tự động trở thành người dùng trên các nền tảng đó. Điều này là bởi các nền tảng này đóng vai trò như một bên bán lại các sản phẩm của chúng ta.

Nói gì thì nói, bắt buộc người dùng đăng ký tài khoản Gumroad trước khi đăng ký vẫn là một trải nghiệm không hề vui theo quan điểm của mình.

Gumroad bắt buộc người dùng đăng ký tài khoản
Thêm kế hoạch hội viên trên Gumroad.

Không cho phép affiliate: Cái này đau thật sự luôn. Nền tảng e-commerce Gumroad này không cho phép các bên liên kết chuyển hướng người dùng đến trang của tác giả. Nó chỉ cung cấp một đường link để các bên affiliate đặt lên website của họ, và người dùng sẽ mua hàng trực tiếp tại đây. Trong khi thao tác mua hàng rất nhanh và tiện (bởi cửa sổ popup checkout xuất hiện ngay khi nhấn Buy Now), độ tin cậy sẽ thấp hơn do việc mua bán được thực hiện trên trang affiliate chứ không phải trang của tác giả.

Bên cạnh đó, người dùng cũng không thể đăng ký affiliate. Vì vậy, tác giả plugin sẽ phải thêm các bên liên kết qua email một cách thủ công.

người dùng Gumroad không thể đăng ký affiliate
Thêm affiliates trên Gumroad.

Gumroad cơ bản vẫn khiến mình hài lòng trong một khoảng thời gian. Cho đến gần đây, khi mình muốn đổi qua chế độ subscription để hạn chế các vấn đề khi tái cấp phép sử dụng, mình có thử xem qua FastSpring, Paddle và Fremius, và cuối cùng quyết định chọn FastSpring.

FastSpring

Như bạn đã biết, mình đã có một plugin để quản lý các sản phẩm và đơn hàng. Khi chuyển qua chế độ subscription, mình phải lập trình lại nó. Mất khoảng 2-3 tháng để mình hoàn thiện (mình có làm nhiều tác vụ khác nữa trong thời gian này). Mình khá hài lòng với kết quả, bởi nó đủ độ linh hoạt để mình chuyển quan một nền tảng khác nếu cần. Với phiên bản mới, mình điều hành các license, bản cập nhật, thông tin thanh toán hay các gói sản phẩm tốt hơn rất nhiều so với phiên bản trước đó.

Quay trở lại với FastSpring, nhu cầu của mình khi bán các sản phẩm WordPress không hề thay đổi. Nhưng mình cần chức năng subscription và hệ thống affiliate tốt hơn, và đây là cơ hội cho FastSpring “bung lụa”.

Ưu điểm của FastSpring

Tính năng subscription: Phải gọi là hoàn hảo luôn. Bạn có thể tạo bao nhiêu subscription tùy thích. Với mỗi subscription, bạn có thể đặt giá cả, thời lượng, thậm chí là file download riêng (Paddle – một nền tảng e-commerce khác, không hỗ trợ download file cho subscription). Bạn còn có thể cài đặt chế độ dùng thử trước khi mua, hoặc thêm phí cài đặt một lần.

Khi người dùng đăng ký mua sản phẩm của bạn, FastSpring sẽ tự động tạo tài khoản cho họ trên nền tảng này, và quá trình sẽ diễn ra công khai (người dùng chỉ nhận email để tới FastSpring nhằm xem hay quản lý subscription của họ). Trải nghiệm này tốt hơn hẳn so với chức năng membership của Gumroad.

Tính năng subscription của FastSpring tốt hơn hẳn so với chức năng membership của Gumroad

Sản phẩm trả phí một lần: cũng giống như các sản phẩm truyền thống bên Gumroad. Mình đang sử dụng nó cho Lifetime Bundle trên Meta Box.

Cửa sổ popup checkout: Tính năng này giống Gumroad nhưng không sánh bằng về tính thẩm mỹ, tuy nhiên khác biệt thật sự không quá lớn. Bạn có thể thấy nó khi thao tác trên trang pricing của Meta Box.

Khả năng can thiệp vào cửa sổ popup checkout: Bạn có thể tự động nhập email và tên khách hàng đã mua sản phẩm, tương tự như mình đang làm trên Meta Box (đôi khi người dùng nhập sai email hoặc nhập một email khác, khiến hệ thống xác định nó như một tài khoản khác). Hoặc bạn có thể tạo coupon sử dụng được nhiều lần qua JavaScript. Đây là một tính năng khá “cháy” mà Gumroad không có, và mình rất thích tính năng này. Tính năng này giúp mình rất nhiều trong đợt Black Friday vừa qua, bởi mình không cần thay đổi quá nhiều thứ một cách thủ công.

Chức năng tự động điền thông tin khách hàng trên cửa sổ checkout của nền tảng eCommerce FastSpring.
Chức năng tự động điền thông tin khách hàng trên cửa sổ checkout FastSpring.

Quản lý coupon tốt hơn: Với FastSpring, bạn có thể tạo một lúc 1000 coupons hoặc tạo một coupon mà sẽ hết hạn trong vòng một tuần, trong khi bạn không thể làm điều này với Gumroad. Dịp Black Friday vừa qua, mình không cần xóa coupon bằng tay bởi chúng tự động hết hạn vào ngày đặt sẵn. Đặc biệt, bạn có thể tạo coupon cho một hoặc tất cả sản phẩm/subscription.

Sửa coupon có sẵn trên nền tảng eCommerce FastSpring.
Sửa coupon có sẵn trên FastSpring.

Webhooks: Nền tảng FastSpring hỗ trợ webhooks rất tốt. Mỗi sự kiện đều có một webhook tương ứng, ví dụ như webhook cho các subscription được kích hoạt, hủy bỏ, hủy kích hoạt hoặc khi một thanh toán được hoàn tiền. Mình sử dụng chúng khá nhiều để tích hợp với plugin của mình.

Nền tảng FastSpring hỗ trợ webhooks rất tốt.
Sửa webhook trên FastSpring.

Affiliate: Nền tảng e-commerce FastSpring hợp tác với Impact Radius để cung cấp cho người dùng một hệ thống affiliate khá mạnh mẽ. Impact Radius là một “ông lớn” trong lĩnh vực affiliate, và điều này khiến cho cả hai hệ thống trở nên cao cấp hơn.

Quản lý nhiều cửa hàng với một tài khoản: Mình đang quản lý 3 cửa hàng gồm Meta Box, GretaThemes và WP Auto Listings chỉ với một tài khoản duy nhất. Mình vẫn có thể xem các đơn hàng và báo cáo cho mỗi cửa hàng, nhưng các khoản thanh toán sẽ được tập trung vào một nơi duy nhất. Ở Gumroad, nếu bạn có hai nhãn hiệu hay website, bạn sẽ cần đến hai tài khoản để quản lý chúng.

Nhược điểm của FastSpring 

Giao diện người dùng: Mình mong FastSpring sẽ có một giao diện đẹp hơn cho cửa sổ popup checkout trên dashboard. Hiện nó trông cũng ổn, nhưng gọn gàng và đơn giản hơn chút sẽ tốt hơn.

Affiliate: Hệ thống thì rất đỉnh đấy, nhưng mình lại gặp chút rắc rối khi thiết lập nó. Các bước làm khá phức tạp và nhiều lỗi. Mình đã phải yêu cầu hỗ trợ và gần đây họ đã giải quyết xong vấn đề sau 2 tháng (và may mắn là đã xong).

Các tính năng ẩn: Một số tính năng được đề cập trong hướng dẫn, tuy nhiên lại không có sẵn trong dashboard, thế là mình đã phải liên lạc với họ để kích hoạt mấy thứ đó giúp mình, hơi mệt.

Phí hoa hồng “chát” hơn: FastSpring tính phí 5.9% + $0.75 với mỗi đơn hàng. Mức giá này cao hơn bậc premium của Gumroad (3.5% + $0.30/đơn hàng + $10/tháng). Cũng cần phải lưu ý rằng Gumroad tính phí hoa hồng khá cao cho bậc miễn phí: 8.5% + $0.30/ đơn hàng.

Tuy vẫn có một số nhược điểm như trên, FastSpring vẫn làm mình hài lòng với việc bán plugin kể từ tháng 10 năm ngoái. Thanh toán, subscription hay kể cả hoàn tiền, tất cả điều “mượt mà không tì vết”

Kết luận

Lựa chọn một nền tảng e-commerce để kinh doanh không phải việc dễ dàng. Đây cũng không phải việc bạn có thể quyết định một lần là xong, bởi công nghệ luôn thay đổi rất nhanh và bạn phải bắt kịp chúng. Quan trọng hơn, bạn cần hiểu nhu cầu của chính mình và từ đó quyết định xem nền tảng e-commerce nào phù hợp với mình hơn.

Trong bài viết này, mình đã chỉ ra một số điểm quan trọng mà mình cân nhắc khi lựa chọn giữa hai nền tảng e-commerce là Gumroad và FastSpring, cũng như lựa chọn giữa hai nền tảng này và các plugin e-commerce khác (WooCommerce và Easy Digital Downloads). Cũng có nhiều nền tảng khác như Paddle, Fremius, SendOwl, v.v giúp bạn bán các sản phẩm cho WordPress, và hy vọng rằng các bạn có thể so sánh chúng dựa vào các điểm mình đã nêu ra. Hãy nhớ rằng không có gì là hoàn hảo cả, nên bạn cần chọn cái tốt nhất cho mình nhé!

Chúc may mắn với lựa chọn của bạn, và chúc cả việc kinh doanh của bạn lên như diều gặp gió luôn nha!

[give_form id="2868661"]

Ways to Give | ASE Foundation for Cardiovascular Ultrasound

TOP1 - Top1Vietnam.vn - No1Vietnam.vn - Top1List - Top1Index - Top1BrandVietnam.vn - Top1 Phát Triển Thương Hiệu
Logo
Enable registration in settings - general
Compare items
  • Total (0)
Compare
0
Shopping cart